Tìm hiểu về cấu tạo của sợi tóc
Người xưa có câu “cái răng, cái tóc là góc con người”. Có thể thấy tầm quan trọng của mái tóc, trong việc tôn lên vẻ đẹp của mỗi chúng ta, đặc biệt là người phụ nữ. Trong bài viết dưới đây, hãy cùng tìm hiểu về cấu tạo của sợi tóc, để có thể chăm sóc tóc tốt hơn.
I. Tìm hiểu về cấu tạo của sợi tóc
Cấu tạo của sợi tóc được hợp lại bởi 70% chất sừng (keratin) cùng với 30% hợp chất bao gồm nước, chất béo, hydrat carbon, vitamin và các khoáng chất khác.
Sợi tóc được chia thành 2 phần chính đó là chân tóc và thân tóc.
1. Chân tóc
Chân tóc hay còn được gọi là nang lông, nằm dưới da đầu chứa rất nhiều mạch nhỏ li ti. Phần dưới của thân tóc là bầu nhú tóc, chính là phần bầu màu trắng ôm vào chân tóc (bạn sẽ thấy rõ phần này khi nhổ một sợi tóc). Xung quanh nang tóc có các tuyến nhờn giúp bôi trơn sợi tóc và các cơ nang để giúp tóc mọc lên và dài ra.
2. Cấu tạo của sợi tóc – Phần thân tóc
Thân tóc là sợi tóc mà bạn nhìn thấy. Cấu tạo của sợi tóc gồm 3 lớp: Lớp biểu bì, lớp giữa, lớp tủy.
- Lớp tủy (Medulla) là lớp trong cùng của tóc, chứa nhiều tế bào keratin (sừng) dạng lỏng và không khí. Nếu tóc bạn rất mỏng, có thể tóc bạn sẽ không có lớp này.
- Lớp lõi (Cortex) là lớp dày nhất và quan trọng nhất của tóc gồm các bó sợi nhỏ và hợp chất melanin hợp thành. Melanin là các hạt sắc tố tự nhiên quyết định màu sắc của tóc. Tuỳ thuộc vào ảnh hưởng từ môi trường, di truyền, độ tuổi mà tỉ lệ sắc tố melanin thay đổi ở phần lớp lõi của tóc. Vì vậy, lớp giữa của tóc quyết định độ chắc khỏe cũng như màu sắc của tóc bạn.
- Lớp biểu bì (cutin): là phần ngoài cùng của thân tóc, gồm 5-10 lớp keratin trong suốt xếp chồng lên nhau có tác dụng bảo vệ sợi tóc khỏi các hóa chất hoặc ảnh hưởng bên ngoài. Lớp biểu bì và phần lõi tóc liên kết chặt chẽ để bảo vệ tóc, quyết định cấu trúc bề mặt và độ bóng mượt của tóc, không gây rối, tóc mượt mà và sáng bóng.
II. Chu kỳ, sự phát triển của sợi tóc
Ngoài việc tìm hiểu cấu tạo của sợi tóc, chúng ta cũng nên hiểu về chu kỳ sinh trưởng của tóc. Trung bình mỗi tháng sợi tóc mọc dài ra khoảng 1cm. Sự phát triển của tóc sẽ chậm lại khi độ dài của tóc lớn hơn 25cm. Mức độ phát triển tóc của mỗi người sẽ khác nhau, phụ thuộc vào gen di truyền.
Mỗi sợi tóc sẽ trải qua chu kỳ sinh trưởng bao gồm 3 giai đoạn kéo dài khoảng 3-6 năm.
- Giai đoạn phát triển: Khoảng 85% số tóc trên đầu chúng ta đang ở giai đoạn phát triển. Thường kéo dài từ 3 – 6 năm.
- Giai đoạn chuyển tiếp: Khi tóc phát triển đạt đến độ dài tối đa, tóc bắt đầu bước vào giai đoạn chuyển tiếp kéo dài 1 – 2 tuần. Trong suốt pha chuyển tiếp, nang tóc co lại khoảng 1/6 đường kính so với bình thường.
- Giai đoạn nghỉ: Sẽ kéo dài 5 – 6 tuần. Khoảng 10 – 15% tóc trên đầu ở giai đoạn nghỉ. Cuối giai đoạn nghỉ, nang tóc tái khởi động một chu kỳ phát triển tóc mới.
III. Rụng tóc nhiều – khi nào cần lo lắng?
Theo các chuyên gia về tóc, trung bình, mỗi ngày chúng ta sẽ rụng khoảng 50- 100 sợi tóc. Tóc rụng đi, sẽ có nang tóc mới hình thành và nhú ra khỏi tuyến dầu.
Tuy nhiên, nếu số lượng tóc rụng nhiều hơn 100 sợi, kéo dài trong một thời gian dài, không có dấu hiệu giảm bớt. Thì số lượng tóc mọc ra sẽ không đuổi kịp số lượng tóc bị thoái hóa và rụng đi. Do đó, sẽ dẫn đến tình trạng, mái tóc bạn sẽ mỏng, thưa dần, thậm chí là hói đầu.
Nguyên nhân gây rụng tóc có thể do vấn đề chăm sóc da đầu, nang tóc không được tốt. Vì vậy, bạn cần chú ý đến vấn đề chăm sóc tóc, da đầu như chọn sản phẩm chăm sóc tóc hàng ngày phù hợp giúp nuôi dưỡng da đầu và nang tóc khỏe mạnh. Tránh kích ứng da đầu, điều tiết được lượng nhờn của da đầu và không chứa hóa chất độc hại.
Ngoài ra, bạn cũng cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng hàng ngày. Tăng cường bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng giàu protein, keratin, vitamin,… để nuôi tóc chắc khỏe.
Vừa rồi là những thông tin về cấu tạo của sợi tóc, cũng như chu kỳ sống của tóc. Hi vọng rằng, bài viết đã giúp mỗi chúng ta hiểu hơn về tóc, từ đó biết cách chăm sóc tóc tốt hơn.